Truyền bá và niềm tin Truyền_thuyết_đô_thị

Cũng như các truyền thuyết và thần thoại khác, khó mà truy được nguồn gốc của các truyền thuyết đô thị. Người kể chuyện có thể tuyên bố rằng chuyện ấy đã xảy ra với một người bạn, mục đích là nhằm cá nhân hóa và làm tăng tính thuyết phục của câu chuyện.[1] Nhiều truyền thuyết miêu tả những tội ác kinh hoàng hoặc những tình huống có khả năng gây ảnh hưởng đến nhiều người. Bất cứ ai tin vào những truyền thuyết này có lẽ sẽ cảm thấy cần phải cảnh báo cho những người thân yêu được biết. Không hiếm trường hợp mà các hãng thông tấn, ban giám hiệu trường học hoặc ngay cả sở cảnh sát đã ra cảnh báo về các mối đe dọa này.[5] Một ví dụ là truyền thuyết "Tắt đèn" ("Lights Out"), có nội dung kể rằng các tên du đãng đường phố sẽ chạy ô tô mà không mở đèn cho đến khi gặp một người lái xe nào đó đáp lại bằng cách nhá đèn, và rồi thì băng đảng đó sẽ yêu cầu một thành viên mới gia nhập phải giết chết người lái xe đó nhằm "ra mắt" băng đảng.[6] Sở cứu hỏa quận Nassau, Florida, Mỹ sau khi nhận được một bản fax chứa truyện này đã chuyển tiếp nó đến cảnh sát quận và rồi sau đó nó được gửi đến tất cả các sở cảnh sát khác. Thậm chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada còn ra cảnh báo an ninh khẩn cấp đến tất cả các nghị sĩ ở Ontario.[6]

Nhiều truyền thuyết đô thị thực ra là những trò đùa được thêm thắt và được kể như thể chúng có thật.[7] Truyền thuyết thường có một hoặc nhiều đặc điểm như: được kể lại nhân danh một nhân chứng khác, thường được kể là "bạn tôi kể tôi nghe" mặc dù không bao giờ biết rõ danh tính đầy đủ của "người bạn" đó[8]; chứa đựng những cảnh báo đáng sợ nhằm đánh động những người ít lưu tâm đến lời khuyên hoặc bài học chứa trong truyện (nhiều lá thư điện tử lừa đảo thường chứa đựng yếu tố này). Dấu hiệu để phân biệt các truyền thuyết đô thị không có thực này đó là sự thiếu vắng thông tin cụ thể liên quan đến vụ việc, chẳng hạn thiếu tên, ngày tháng, địa điểm và các thông tin tương tự.

Có một ít truyền thuyết đô thị chứa đựng một mức độ hợp lý nhất định, chẳng hạn chuyện một kẻ giết người hàng loạt trốn ở ghế sau của xe ô tô. Từ thập niên 1970 có những lời đồn đại rằng công ty Procter & Gamble có liên quan đến những kẻ thờ quỷ Sa tăng, căn cứ trên những chi tiết vẽ trên biểu trưng có từ thế kỉ 19 của công ty. Lời đồn này nghiêm trọng đến mức công ty phải bỏ biểu trưng này.[9]